Người Việt Nam có khá nhiều lễ tết như Tết Thượng nguyên, Tết Trung nguyên, Tết Trung thu, Tết Hạ nguyên, Tết Hàn thực, Tết Đoan ngọ, Tết Ông Táo … Nhưng quan trọng hơn cả là Tết Nguyên đán. “Nguyên đán” là “ngày đầu năm” (“nguyên” là đầu, bắt đầu, lớn, “đán” là buổi sớm – theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh). Như vậy, ngày mùng một tháng giêng là ngày bắt đầu Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trong dân gian từ ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng chạp) không khí Tết đã rộn ràng, biểu hiện rõ nhất là người ta cùng chuẩn bị mọi thứ để đón xuân. Vào ngày 30 thì cả cộng đồng đều “rước ông bà” về ăn Tết. Nhiều gia đình thực hiện nghi lễ thiêng liêng này từ ngày 28 hoặc 29 tháng chạp (rồi đến ngày 30 tiếp tục cúng cơm trên bàn thờ gia tiên và tập trung vào việc đón giao thừa).
Người Việt cũng như nhiều dân tộc khác tin con người có linh hồn. Thể xác có thể mất đi nhưng linh hồn thì bất diệt, chết chỉ là “về thế giới bên kia”, là hoàn thành cuộc hành trình qua “cõi tạm” (quan niệm “sinh ký tử qui”– sống gửi thác về). Nhưng như thế vẫn chưa đủ bởi vì nếu chết là vĩnh viễn ra đi thì không thể “rước” trở về. Cùng với niềm tin con người có linh hồn, người Việt còn cho rằng người chết vẫn giữ “quan hệ” với người thân như lúc còn sống. Điều này đã trở thành tâm thức dân gian khiến cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên từ lâu đã trở thành “Đạo” thờ ông bà :
Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ(Nguyễn Đình Chiểu)
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu(Ca dao)
Chữ “thờ” ở đây hiểu là tôn kính, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ lúc còn sống và thờ cúng khi họ đã khuất. Do “dương gian âm phủ đồng nhất lý”, người chết cũng có nhu cầu ăn uống như người sống. Người ta cúng cơm trên bàn thờ ông bà trước khi ăn mỗi ngày hoặc khấn vái trước khi cầm đũa. Ông bà còn được “thỉnh” về chứng giám khi gia đình có hỉ sự (đám hỏi, đám cưới, con cái thi đậu, có người qua cơn bạo bệnh …) cho nên mỗi nhà đều rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu.
Gia đình nào bận việc làm ăn thì trễ lắm đến chiều 30 bà thờ tổ tiên cũng phải tươm tất: bộ lư đồng được lau chùi, đánh bóng, lư hương sạch sẽ, dĩa ngũ quả (thường kèm theo hai dĩa đặt tương xứng nhau với dưa hấu có chuối xiêm bao quanh, một dĩa bánh mứt). Thức cúng phổ biến của người đồng bằng sông Cửu Long là thịt heo (gà, vịt) luộc hoặc cá lóc hấp hay nướng trui, dĩ nhiên là không thể thiếu cháo hoặc cơm, rượu trắng và nước trà. Người lớn tuổi nhất trong gia đình hoặc một người nào đó trong nhà hành lễ trước tiên, sau đó tất cả mọi người đều cúng lạy. Trong làn khói nhang nhè nhẹ bay, người ta khấn nguyện nhiều khi âm thanh phát ra rõ từng câu có thể nghe được. Lời khấn nguyện này nội dung chủ yếu thường là lời mời tôn kính và lời cầu xin được chở che, phù hộ.
VĂN KHẤN LỄ TẤT NIÊN
– Nam mô A di đà Phật (3 lần)
Con kính lạy: – Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần
– Ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế chí Đức Tôn Thần
– Ngài bản cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương
– Các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân cùng tất cả các vị thần linh cai quản ở trong xứ này.
Con kính lạy: Chư gia Cao tằng Tổ Khảo, Cao tằng Tổ Tỷ, Tiên linh nôi ngoại
Hôm nay ngày 30 tháng Chạp năm Tân Mảo
Tín chủ con tên là:
Ngụ tại:
Trước án toạ kính cẩn thưa trình:
Đông tàn sắp hết, năm kiệt, tháng cùng, Xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới. Nay là ngày 29 Tết, chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh, vàng nhang, trầu rượu, sửa lễ tất niên dâng cúng thiên địa Tôn Thần, phụng hiến tổ tiên truy niệm chư linh. Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị Tôn Thần, liệt vị gia tiên, Những người hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, Tảo sa tảo lạc…Những người nay đây mái đó! vong vị vô hình, đi không rõ, về không tỏ, nhân gian lãng tử, bản xứ tiền hậu chư hương linh giáng lâm án toạ, mật thuỳ chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho toàn gia tứ thời cát khánh, bình an thịnh vượng.
Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Nam Mô A Di Đà Phật ( 3 lần)
CẨN CÁO