Đại Hắc Thiên là một vị Trời rất kính ái Tam Bảo, hộ trì người tu hành, thỏa mãn đầy đủ tư tài (tiền bạc, của cải cho tất cả chúng sanh thế gian và xuất thế gian). Trong Phạn ngữ, Đại Hắc Thiên là Mahakala, là một trong những vị thần thủ hộ Mật Giáo, còn trong tiếng Hán Việt là Ma Ha Ca La hoặc Mặc Ha Ca La , Đại Hắc, hoặc Đại Thời, hoặc còn gọi là Ma Ha Ca Thần….
Trong Ấn Độ giáo (Hindu) vị thần có biệt danh là Siva (Thấp Bà hay Bà Đột Ca, hậu của Thấp Bà hóa thân) chủ phá hoại, chiến đấu. Phật giáo lại thấy đây là hóa thân của Đại Tự Tại Thiên, hoặc ngài Tỳ Lô Giá Na Phật hóa thân. Các thuyết không giống nhau, trong đó có thuyết xem ngài Đại Hắc Thiên như một vị Phước Thần để cúng bái cầu xin. Trong Đại Nhật Sớ kinh nói rằng đây là vị Thần Phẩn Nộ, Hàng Phục Đồ Cát Ni. Cũng có thuyết nói rằng vị thần nầy là Ma Ê Thủ La (Đại Tự Tại Thiên) hóa thân, tức là Trủng Gian Thần, Chiến Đấu Thần. Thuyết nầy đã công nhận Đại Hắc Thiên là Ma Ê Thủ La hóa thân cùng với vô số quyến thuộc quỷ thần ban đêm du hành ở trong rừng, ăn máu thịt của người sống để có sức mạnh cho các phép chiến đấu đạt toàn thắng. Do đó Đại Hắc Thiên còn gọi là Chiến Đấu Thần.
Căn cứ vào kinh Đại Tập Đại Phương Đẳng, quyển 55, phẩm Phân Bố Diêm Phù Đề đã nói rằng: “Đại Hắc Thiên Nữ và Thiện Phát Cát Thát Bà đều hộ trì cho nước Bà La Nại.”
Trong Mật giáo Tây Tạng, Đại Hắc Thiên được gọi là Mahakala, là vị Tôn chủ hộ pháp trọng yếu. Sự truyền thừa hình tượng Ngài trong các trường phái Tây Tạng thì không đồng nhau, tánh chất và tác dụng cũng bất đồng. Tôn tượng và đặc tính của Ngài Đại Hắc Thiên có rất nhiều cách diễn tả khác nhau như: Đại Hắc Thiên hai tay chủ yếu là hộ trì cho những hành giả tu Hỷ Kim Cang. Đại Hắc Thiên bốn tay chủ yếu hộ trì cho hành giả tu Đại Thủ Ấn. Đại Hắc Thiên sáu tay chủ yếu hộ pháp cho phái Hương Ba Cát Cử và Cách Lỗ. Đại Hắc Thiên sáu tay màu trắng chủ yếu hộ pháp của phái Tát Ca Cử, trong đó Bạch Ma Ca La còn có tên là Bổn Tôn Tài Thần. Ngoài ra vị Trời nầy còn là Tài Phước Thần, Ty Ẩm Thực.
Trong Nam Hải Ký Quy Nội Pháp truyện, quyển 1 Thọ Tế Quỷ Tắc có đề cập: “Tất cả các đại tự viện ở phía tây, bên cột nhà bếp hoặc trước các kho tàng, đầu cột có điêu khắc hình tượng Đại Hắc Thiên màu đen.
Tương truyền vào thời cổ đại, Đại Hắc Thiên là thuộc hạ của Hỏa Thiên, rất kính ái Tam Bảo, hộ trì năm chúng (ngũ chúng) để khỏi bị hao tổn, phàm có người cầu đều được xứng nguyện. Mỗi khi đến giờ ăn cơm, vị thầy đặc trách nhà bếp thường thường dâng cúng lên ngài Đại Hắc Thiên hương đèn, đồ ăn trước. Trong văn bản cũng có đề cập đến chùa, miếu ở Hoài Bắc, tuy nhiên không có phong tục cúng dường ngài Đại Hắc Thiên. Phàm có người cầu xin đều có ứng nghiệm một cách lạ lùng.
Ngoài những điều nầy, ở Nhật Bản các chùa đều căn cứ vào Nam Hải Ký Quy truyện có nói: “Thịnh hành nhất là các nhà kho ở nhà bếp đều an trí tượng ngài Đại Hắc Thiên hai tay”. Trong Nam Hải truyện cũng có viết về sự tích ứng hóa của Đại Hắc Thiên.
Có một ngôi chùa tên là Đại Niết Bàn Thiền Na Tự, thường ngày ở trong chùa có khoảng 100 tăng sĩ, nhưng hằng năm đến mùa lễ bái thì có nhiều tăng sĩ các nơi hội về. Điều nầy làm ban ẩm thực ở chùa gặp nhiều khó khăn. Có một lần, vào buổi trưa có khoảng 500 tăng khách đến đây lễ bái, chùa không còn khả năng cung cấp đồ ăn uống trong lúc nầy, nhưng cũng không thể để cho 500 vị tăng khách nhịn đói. Trong khi tất cả mọi người trong chùa không biết giải quyết bằng cách nào, thì có một bà già nói: “Chuyện nầy là thường xảy ra, đại chúng đừng nên lo lắng.” Chỉ thấy bà lão đốt một nắm hương lớn, hướng về ngài Đại Hắc Thiên, thành kính bạch rằng: “Đại thánh! Chư tăng bốn phương đến đây để dâng lễ bái thánh tích. Kính mong ngài đừng để cho đại chúng thiếu đồ ăn.” Khi lời cầu nguyện nầy chấm dứt, liền khiến cho đại chúng lấy số thực phẩm trước đây dự trù để cung cấp cho tất cả đem ra, nhưng lạ thay, số người ăn so với số bình thường hơn nhau mấy trăm người, nhưng thức ăn vẫn không thiếu. Đại chúng vô cùng cảm kích và kinh dị.
Người Nhật cũng lấy ngài Đại Hắc Thiên là một trong bảy vị Phước Thần. Vị Đại Hắc Thiên được công nhận giúp cho thế gian quan vị và phú quí, đã được nhân gian sùng tín rộng rãi. Đông Mật tương truyền ngài Đại Hắc Thiên nguyên là Đại Nhựt Như Lai thị hiện hình tướng của thần Dược Xoa phẫn nộ để hàng phục ác ma. Tạng Mật lại truyền là Quan Thế Âm Bồ Tát thị hiện hóa làm vị Đại Hộ Pháp. Có sự tương đồng giữa hai hệ phái Mật Tông Nhật Bản và Tây Tạng đều xem trọng pháp tu của Bổn Tôn.
Do tôn nầy thống lạnh vô lượng quỷ thần quyến thuộc, lại còn thêm kỷ thuật phi hành và ẩn hình lâu, cho nên trong chiến tranh thường gia hộ cho các sở cầu của chúng sanh khiến cho thực phẩm được đầy đủ. Do đây mà các tu viện ở Ấn Độ và Trung Quốc, tỉnh Giang Nam người dân thường thờ cúng trong nhà bếp. Người ta cũng thờ cúng vị Đại Hắc Thiên trong nghĩa địa. Cũng tương truyền rằng vị Thần nầy cùng với quyến thuộc của Thất Mẫu Nữ Thiên thường cứu giúp người nghèo khó. Do đó mà Đại Hắc Thiên được thông dụng gọi bằng bốn tên: Chiến Đấu Thần, Trù Phòng Thần (nhà bếp), Trủng gian Thần (Nghĩa Địa), Phước Đức Thần. Đó là bốn đặc tính của Đại Hắc Thiên rất được sùng ngưỡng.
Đại Hắc Thiên Hình Tướng
Liên quan đến tôn tượng của Ngài, trong Tuệ Lâm Âm Nghĩa, quyển 10, mô tả tượng Ngài có tám tay, thân Ngài màu mây đen xanh. Hai tay ôm ngang bụng cầm cái kích chỉa ba, tay phải thứ hai cầm con dê màu đen xanh, tay trái thứ hai nắm đầu tóc của một ngạ quỷ, tay phải thứ ba cầm kiếm, tay trái thứ ba cầm Khiết Trá Cang Ca tức là cái chuông đầu lâu; dấu hiệu phá hoại, tai họa. Hai tay sau, mỗi tay để ở trên vai đỡ một tấm da voi trắng như trong thế mặc áo. Dùng rắn độc làm dây xâu đầu lâu làm chuổi hột. Phía trên nhe răng cọp ra tạo nên hình tướng rất hung dữ. Dưới có Địa Thần Nữ Thiên đang dùng hai tay để đỡ chân Ngài.
Ngoài những điều tương tự mà sách Đại Hắc Thiên Thần Pháp đã ghi, còn có hình ngài là ba mặt sáu tay màu xanh. Tay trái và tay phải của mặt trước để ngang và cầm kiếm, tay trái thứ nhất cầm búi tóc của người nâng lên, tay mặt thứ nhứt cầm một con dê cái, hai tay thứ hai để sau lưng trùm 1 tấm da voi. Cổ đeo chuổi hột đầu lâu. Trong tranh Mạn Đà La có tôn hình và hình tượng nầy giống nhau, chỉ trừ con dê và đầu người là khác nhau. Nhưng trong Tối Thắng Tâm Kinh nói rằng ngài Đại Hắc Thiên mặc da voi, cầm ngang một cây thương, một đầu đâm thẳng vào một đầu người, đầu kia đâm vào một con dê. Trong Nam Hải Ký Quy truyện nói hình của vị nầy đeo túi vàng, ngồi trên một giường nhỏ và thòng một chân .
Nói tóm lại, liên quan đến tôn hình của ngài thông thường có hai loại, một loại hiện phẫn nộ thân màu đen, ngồi trên tòa hình tròn, trên tóc phát ra lửa dựng đứng, ba mặt sáu tay, tay phải thứ nhất cầm dao hình mặt trăng lật ngữa, tay thứ nhì cầm tràng hạt bằng xương, tay thứ ba cầm trống nhỏ. Tay trái thứ nhất cầm thiên linh cái, tay trái thứ hai cầm chỉa ba, tay trái thứ ba cầm dây xích Kim Cang, phía trên hai bên trái phải hai tay nắm một miếng da voi căng rộng.
Một loại khác tạo hình theo Phước Thần, làm theo hình dáng của phàm nhơn, đầu đội mũ tròn, vai mang một cái bị, cầm một cái chày nhỏ, chân đạp bị gạo.
Trong lúc tu pháp điều phục, hình phẫn nộ được dùng nhiều trong pháp hàng ma. Phước thần được dùng trong pháp tu cầu phước đức.
Người tu tập về Đông Mật hoặc Tạng Mật, đối với ngài Đại Hắc Thiên có phần quan trọng. Hành giả thờ Ngài để cầu đảo, trừ ma, thành tựu thắng lợi và công đức.